TỔ CHỨC DU XUÂN, LỄ PHẬT ĐẦU NĂM
- Thứ hai - 18/02/2019 04:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
TỔ CHỨC DU XUÂN, LỄ PHẬT ĐẦU NĂM
Đầu năm du xuân trẩy hội và đi Lễ chùa đã trở thành một nét đẹp truyền thống của người dân Việt Nam. Nhân dịp đầu xuân năm mới Kỷ Hợi 2019 được sự quan tâm và tạo điều kiện của Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường, ngày 16/2/2019 (tức ngày 12 tháng giêng) Công đoàn trường cao đẳng Thương mại và Du lịch đã tổ chức cho cán bộ giáo viên đi du xuân tại khu di tích Bạch Đằng Giang – Chùa Cao Linh – Đền thờ Bà Đế - Chùa Hang tại Hải Phòng.Khu di tích Bạch Đằng Giang thuộc địa phận thôn Tràng Kênh, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, cách trung tâm thành phố Hải Phòng chừng 25 Km về phía Bắc. Khu di tích được bao bọc bởi dãy núi đá Tràng Kênh hùng vĩ, phía trước là con sông Bạch Đằng huyền thoại, sườn phía Nam là dòng sông Giá hiền hòa. Đây vốn là khu di tích được nhân dân phục dựng, trở thành một quần thể các công trình kiến trúc, nghệ thuật tín ngưỡng, tâm linh, với kiến trúc quy mô bề thế, khang trang được xây dựng từ năm 2008 đến năm 2011 trên khu đất đắc địa.
Bạch Đằng Giang là một hợp thể kiến trúc quy mô, hài hòa với các công trình hợp nhất, được chế tác hoàn toàn bằng đá nguyên khối, trang trí khắc nổi với đề tài liên quan đến tín ngưỡng tâm linh người Việt. Tại đây một hệ thống đền thờ, miếu viện, tượng đài thờ tự và vinh danh các bậc tiền nhân, anh hùng dân tộc. Đó là đền thờ Hoàng đế Lê Đại Hành, người đã đánh thắng quân Tống xâm lược năm 981. Tiếp đó là Trúc Lâm thiền tự, nơi thờ Phật Hoàng Trần Nhân Tông, rồi đền thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, người đã chỉ huy đánh thắng quân Nguyên Mông lần thứ 3 năm 1288, cũng bằng thế trận cọc nhọn ngay trên khúc sông này. Tiếp đến là đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam. Phía cuối gần tiếp giáp bờ sông Bạch Đằng là đền thờ Đức Vương Ngô Quyền, vị Tổ trung hưng, người đã làm nên chiến thắng lịch sử, đánh tan mấy vạn quân Nam Hán năm 938 ngay tại chính nơi đây, đem lại nền độc lập, mở ra kỷ nguyên tự chủ cho đất nước.
Đoàn Cán bộ, giảng viên Nhà trường chụp ảnh lưu niệm tại Khu Di tích Bạch Đằng Giang
Rời khu di tích Bạch Đằng Giang, cả đoàn đến tham quan và chiêm bái Chùa Cao Linh – một ngôi chùa nổi tiếng tọa lạc ở phía tây cửa ngõ của Thành phố Hải Phòng - với diện tích 49.000m2, giữa một vùng đất cao ráo, rộng lớn, thuộc địa bàn trang Hà Liên, nay là thôn Bắc Hà xã Bắc Sơn (An Dương, Hải Phòng). Đây là ngôi chùa có lối kiến trúc độc đáo, hiện đại theo văn hóa truyền thống Phương Đông. Chùa Cao Linh có vẻ đẹp, hoành tráng khác biệt hẳn so với với những ngôi chùa trên địa bàn Thành phố Hải Phòng. Ngôi chùa này được dòng họ Lê Văn trong làng Hà Liên xây dựng vào năm nào không rõ, nhưng chỉ biết trong bia đá của chùa có ghi lại niên hiệu trùng tu vào đời Hậu Lê, khoảng chừng hơn 300 năm trước. Với đường nét xây dựng độc đáo, nghệ thuật kiến trúc đậm đà bản sắc văn hóa Phật Giáo, Chùa là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của những người con Phật trong khắp nội ngoại thành phố, là điểm tham quan du lịch của các du khách trong và ngoài nước và cũng là điểm nhấn nổi bật trong toàn cảnh khu danh thắng du lịch nổi tiếng Núi Voi. Đoàn Cán bộ, giảng viên Nhà trường chụp ảnh lưu niệm tại Chùa Cao Linh
Điểm đến tiếp theo là Đền thờ Bà Đế - ngôi Đền gắn với truyền thuyết về nỗi oan trái của một người con gái, đó là bà Đào Thị Hương ở vùng Tây Nam Đồ Sơn, đã được dân làng lập miếu thờ ở dưới chân núi Độc. Ðền tựa chân vào núi, phía trước mặt là biển khơi bao la, sơn thủy thật hữu tình tạo nên một kỳ quan thiên nhiên độc đáo không thua gì “Nam thiên đệ nhất động - Chùa Hương”. Đền Bà Đế là một trong những ngôi đền nổi tiếng về danh thắng và linh thiêng.Và điểm cuối cùng cả đoàn dừng chân là Chùa Hang – ngôi Chùa có vị thế tuyệt đẹp với lưng ẩn sâu trong núi vững chãi và mặt hướng ra biển cả mênh mông. Chùa Hang có tên chữ là Cốc tự, xưa thuộc địa bàn Vạn Tác, xã Đồ Sơn, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, đạo Hải Dương; nay thuộc phường Vạn Sơn, thị xã Đồ Sơn. Đây là ngôi chùa thiên tạo lớn của Đồ Sơn, theo truyền ngôn có từ trước công nguyên. Nhà sư Bần – tên dân dã người nước Thiên Trúc theo thuyền đi truyền bá đạo Phật đã đến cư trú tại hang và mở chùa.
Chuyến đi này đã đem đến cho cán bộ, giáo viên Nhà trường niềm phấn khởi với mong muốn đầu năm với chuyến du xuân trọn vẹn ý nghĩa sẽ đem lại nhiều may mắn, thuận lợi, vạn sự như ý trong công việc. Đây cũng là dịp cán bộ công nhân viên có thể hiểu nhau hơn, tăng thêm tình đoàn kết, sự gắn bó lẫn nhau để có thể cống hiến hết mình trong năm 2019 đầy những thử thách và khó khăn.